DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Họ Đào và những tinh hoa trí tuệ để đời

| 15 lượt xem | DBI

“Ngàn năm văn hiến đã qua. Họ Đào sáng mãi sử ca tuyệt vời. Con cháu vinh hiển ngàn đời. Tinh thông văn võ đất trời nước Nam”.

Trên đây là những câu thơ của nhà thơ Đào Tiến viết về dòng họ của mình với một niềm tự hào lớn lao và đó cũng như một lời đúc kết thành tích của một trong những dòng họ có truyền thống vẻ vang nhất của nước Việt. Đó là dòng họ Đào.

Họ Đào có mặt trên lãnh thổ nước ta từ rất sớm, ngay từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang đã xuất hiện những nhân vật lịch sử mang họ Đào như Đào Nồi, Đào Đống, Đào Vực… Lịch sử vẻ vang của dòng họ bắt đầu từ những người họ Đào có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Ân, bảo vệ lãnh thổ và xây dựng nên những ngôi làng mang tên dòng họ của mình là Đào Xá.

Vốn là một dòng họ thuần Việt, mang trong mình tinh thần yêu nước bất khuất, lớp lớp thế hệ con cháu họ Đào đã góp sức trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử. Khi đất nước có họa xâm lăng, những người con họ Đào đã không quản gian lao, không nề hà hy sinh gian khổ để chiến đấu, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Ngay từ thời kỳ Bắc thuộc, trong hơn mười thế kỷ bị giặc phương Bắc đô hộ, kìm hãm, người họ Đào đã kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 cho đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938 khép lại hoàn toàn thời kỳ đen tối bậc nhất lịch sử dân tộc, đều có bóng dáng người họ Đào chiến đấu, xả thân vì Tổ quốc. Đó là Đào Công Dung, Đào Công Tùng, Đào Công Mai, Đào Công Cúc, Đào Công Chúc, Đào Tam Lang… sau khi hy sinh đã được nhân dân suy tôn là những vị Thành hoàng làng để hộ quốc, an dân; hay danh tướng Đào Nhuận - người lãnh nhiệm vụ đóng cọc ngầm trên sông Bạch Đằng và dụ quân Nam Hán sa bẫy của Ngô Quyền…

Trong thời kỳ quân chủ phong kiến từ thế kỷ X đến XIX, dòng họ Đào đã sản sinh ra rất nhiều văn thần, võ tướng với tài năng, trí tuệ, phẩm chất cao đẹp. Có thể nói rằng, ở bất cứ giai đoạn lịch sử, vương triều nào cũng có sự hiện diện của những người họ Đào kiệt xuất. Đầu tiên phải kể đến cuộc nối ngôi không đổ máu giữa triều Tiền Lê và triều Lý, ở đó có sự xuất hiện của danh thần Đào Cam Mộc. Bằng uy tín của mình, ông đã thuyết phục bá quan văn võ suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi thiên tử, mở ra cơ nghiệp của nhà Lý. Đào Cam Mộc trở thành khai quốc công thần của nhà Lý và có vai trò quan trọng đối với việc dời đô ra Thăng Long khi ông là cố vấn của nhà vua để soạn thảo “Chiếu dời đô”. Tài năng, uy tín của ông được quần thần và dân chúng trong ngoài kính nể, tôn vinh là “Đào Trạng Văn Quan”. Đào Cam Mộc được hậu duệ họ Đào suy tôn là ông tổ mở ra cơ nghiệp của dòng họ và ngày nay có rất nhiều tuyến đường được mang tên của ông.

Đến thời nhà Trần (1225 - 1400), họ Đào càng phát triển rực rỡ, nhất là về đường khoa cử, khi hai lần họ Đào được xướng tên trên bảng vàng khoa cử với danh hiệu cao nhất, đó là Trạng nguyên Đào Tiêu và Trạng nguyên Đào Sư Tích. Đây cũng là hai ông trạng khai khoa của họ Đào và mở ra truyền thống hiếu học của dòng họ. Tiếp nối sự thành công của hai vị, họ Đào đã có thêm rất nhiều vị đại khoa đỗ đạt thành tài. Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam từ năm 1075 đến năm 1919, họ Đào đã có tới 47 vị là những người thi đỗ các kỳ thi phong kiến, được đề tên trên bảng vàng. Truyền thống ấy còn được các thế hệ con cháu họ Đào tiếp tục phát huy trong thời hiện đại khi có rất nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học họ Đào đã và đang có những cống hiến to lớn cho đất nước.

Thời nhà Hậu Lê cũng có rất nhiều danh nhân nổi tiếng là những bậc quan lại trong triều đình, nhiều người là tấm gương tiết nghĩa, trung hậu được người đời sau tưởng nhớ. Đó là ông Đào Biểu với tấm gương hy sinh vì chúa nổi tiếng trong sử sách. Chuyện kể rằng, vào thời Vua Lê Nhân Tông, một người anh em của nhà vua là Lê Nghi Dân có bụng muốn cướp ngôi vua liền nảy ra ý bắc thang vào cung cấm để giết vua đoạt ngôi. Đào Biểu biết tin muốn cứu vua, bèn giả làm Vua Lê Nhân Tông, nằm trên long sàng, trùm áo của vua. Lê Nghi Dân biết được, bắt giết ông cùng với Vua Lê Nhân Tông. Sau này, khi Vua Lê Thánh Tông dẹp xong loạn Lê Nghi Dân, nhớ đến tấm gương Đào Biểu đã biểu dương gương tiết nghĩa của ông trước thiên hạ.

Tinh hoa trí tuệ của họ Đào còn được thể hiện qua các công trình quân sự, văn hóa mà những bậc tiền nhân họ Đào dày công xây dựng, có ý nghĩa lớn lao, tạo nên những bước ngoặt của lịch sử.

Nhắc đến họ Đào thì không thể không nhắc đến danh nhân Đào Duy Từ (1572 – 1634) với công trình “Lũy Thầy” nổi tiếng. Đây là một hệ thống các chiến lũy kiên cố do Đào Duy Từ thiết kế và cho xây dựng nhằm chặn đứng các cuộc tấn công của quân Trịnh vào Đàng Trong, giúp cho Chúa Nguyễn yên tâm cai quản, mở mang đất đai và tạo dựng cơ nghiệp của họ Nguyễn kéo dài mấy trăm năm. Dân gian đã lưu truyền câu ca dao để ca ngợi “Lũy Thầy” và Đào Duy Từ rằng:

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”

Đồng thời, Đào Duy Từ còn được hậu thế suy tôn là ông tổ của nghề hát tuồng Việt Nam và sau này, hậu duệ của ông là Đào Tấn đã có công phát triển nghệ thuật tuồng lên đến đỉnh cao. Đào Tấn đã để lại hơn 1.000 bài thơ, từ, 40 vở tuồng kinh điển, trong đó có tập sách lý luận sân khấu mang tên Hý trường tùy bút, cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Trong các tác phẩm tuồng cổ ấy, có một vở vô cùng nổi tiếng, kể về một nhân vật hư cấu họ Đào là “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, được rất nhiều người yêu thích.

Sau thời đại của Đào Duy Từ, ở huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng có một danh sĩ tên là Đào Công Chính, là một người thông minh xuất chúng, từng thi đỗ Bảng nhãn đời Vua Lê Thần Tông. Đào Công Chính được suy tôn là một trong “Tam Đại danh y” của Việt Nam, là người có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam, tạo thế kiềng ba chân vững chắc cho nền đông y học gồm: Y học là Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác; Dược học là Tuệ Tĩnh; Dưỡng sinh học là Đào Công Chính. Bên cạnh đó, ông cũng là một tác giả và nhà ngoại giao xuất sắc. Năm Đinh Mùi 1667, ông làm phó sứ sang nhà Minh, làm quan đến Tả thị lang bộ Lại, được phong tước Nam, khi mất được truy tặng Tử tước. Tác phẩm có giá trị nhất ông để lại là sách y học Bảo Sinh Diên Thọ Toản Yếu.

Ngày nay, dòng họ Đào đã phát triển trên khắp lãnh thổ đất nước Việt Nam. Người họ Đào đã và đang kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, phát huy cao độ trong thời kỳ mới, không ngừng phấn đấu để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những câu chuyện về các bậc tiền nhân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau, giúp họ tiếp tục học tập và phát triển, làm rạng danh dòng họ, góp phần dựng xây đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp, phồn vinh.

Để tiếp cận nhiều thông tin hơn về lịch sử, truyền thống và những thành tựu của họ Đào, mời bạn khám phá Thư viện số Đào Tộc trên nền tảng Ngân hàng Di sản số DJC (DJC HBank).

--------------oOo--------------

Khi đăng ký tài khoản Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC tại đây, bạn có cơ hội được: 

  • Bình luận, đóng góp ý kiến và giao lưu cùng tác giả.
  • Sở hữu ngay báo cáo quản trị cá nhân và blog riêng.
  • Truy cập không giới hạn sách, truyện, tài liệu học tập và giải trí thú vị, đa dạng, đa lĩnh vực.

Thông tin về Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC (HBank DJC):

  1. Link Web djc.vn
  2. Link Tải App iOS 
  3. Link Tải App Android
  4. Profile HBank
  5. Giải thưởng Heritage Brand Review Award

☎️ Hotline: 0369 049 868 | 0335 609 868 

💌 Email: info@djc.vn
 

Ý kiến (0)