Giao lưu và tọa đàm Việt Nam - Di sản - Kết nối “Truyền thông thương hiệu toàn cầu trên nền tảng số O 2 O”, hành trình nhiều thú vị
| 1.1K lượt xem | Thư viện số 100 năm
Lúc 15h00 ngày 24/10/2024, tại Nguyen’s Art Garden (Số 37, đường số 103-TML, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP Hồ Chí Minh) đã diễn ra chương trình Giao lưu và tọa đàm Việt Nam - Di sản - Kết nối “Truyền thông thương hiệu toàn cầu trên nền tảng số O 2 O” do Trường Công nghệ và Thiết kế (thuộc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - UEH), Học viện Thương hiệu Kim cương (DBI) và Công ty Cổ phần Quản lý tài sản (ATIM Consulting) phối hợp tổ chức. Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam, Nguyen Art Garden, Câu lạc bộ Di sản Áo Dài Việt Nam Hồ Chí Minh, Richfield Group và FYT đồng hành tổ chức sự kiện này.
Chương trình có sự tham dự của nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học và các tổ chức danh tiếng trong và ngoài nước như:
- Kỷ lục gia Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam.
- PGS.TS. Trịnh Thùy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.
- GS-TS. Álvaro Barbosa - Phó hiệu trưởng phụ trách quốc tế hoá và học thuật ĐH Saint Joseph (USJ) tại Macao.
- PGS-TS Alexandre Lobo - Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu và đổi mới ĐH Saint Joseph (USJ) tại Macao.
- GS. Carsten Baumgarth - Trường Kinh tế và Luật Berlin, Đức.
- GS. Giulio Guidi - Chủ tịch Viện Công nghệ và Thiết kế Pantheon, Ý.
- MBA Đào Phương Thúy - CEO Công ty Tư vấn Quản lý tài sản (ATIM Consulting).
- ThS. Nguyễn Châu Linh - Tổng giám đốc Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC), Chủ tịch Học viện Thương hiệu Kim cương (DBI).
- Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương.
Tại hội thảo, các diễn giả và khách tham dự cùng thảo luận, chia sẻ kiến thức về di sản và tìm ra các giải pháp gia tăng giá trị thương hiệu hướng đến sự phát triển bền vững thông qua giáo dục và truyền thông trên toàn cầu với hình thức từ trực tuyến đến trực tiếp.
Di sản là một khái niệm rộng, bao gồm những giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên và tinh thần được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại chương trình, các chuyên gia đã nhận định, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Chia sẻ quan điểm của mình về khái niệm này, hoạ sĩ Hoài Hương bày tỏ mong muốn không gian di sản mà gia đình họa sỹ đã xây dựng và những tác phẩm hội họa đang trưng bày trong không gian tư gia sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu phần nào về giá trị của di sản văn hoá.
Không gian trưng bày tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương
Nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản văn hóa, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng cho biết, với sứ mệnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ là nơi bảo tồn di sản văn hóa đồng thời khai thác giá trị của di sản gắn với phát triển kinh tế, đặc biệt là trong phát triển du lịch nhằm nâng cao thương hiệu du lịch Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ cũng nâng cao vai trò lãnh đạo của Nhà nước và địa phương trong việc quản lý và khai thác di sản văn hóa, tiếp tục bồi dưỡng và đào tạo nhân lực thế hệ sau trong công tác bảo tồn; đầu tư cho cơ sở vật chất bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao khả năng bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Để các họa sĩ, nghệ nhân, danh nhân, kỷ lục gia, các tổ chức như Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam thực hiện được các mục tiêu kết nối, lan tỏa, quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt, GS-TS Álvaro Barbosa - Phó hiệu trưởng phụ trách quốc tế hoá và học thuật ĐH Saint Joseph (USJ) tại Macao đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về xu hướng số hóa di sản cho mục tiêu quảng bá giá trị di sản văn hóa và hỗ trợ đồng quảng bá du lịch, thương mại và đầu tư.